Gần 200 bức ảnh chân dung và chụp phong cảnh trong cuốn sách chủ yếu miêu tả sự đổi thay của thành phố Hà Nội trong vòng 3 thập kỷ, từ 1985-2015, trên các lĩnh vực kiến trúc, văn hóa và kinh tế, đặc biệt là giai đoạn sau đổi mới (1986) với những lời giới thiệu của E. Crawford về thay đổi ở Hà Nội cùng những thay đổi lớn như ô tô và xe máy thay thế cho xe đạp, đèn neon thay thế cho đèn dầu, các tòa nhà mới được xây cao hơn, đường phố rộng hơn và du khách ở nhiều quốc gia đã tới thành phố này…


 


 

 



Nghệ sĩ (1988) - Ảnh: E.Crawford



Trong những lần đến Hà Nội, E. Crawford lang thang trên khắp phố phường nhộn nhịp của thủ đô, các bức ảnh ông chụp về cuộc sống ở Hà Nội có cả những nghệ sĩ xiếc, chủ doanh nghiệp, những người dân đi xe trên phố, các bác sĩ… “Tôi muốn các nhân vật xuất hiện trong ảnh một cách tự nhiên nhất”.


 


 

 


Những dịp trở lại Việt Nam, ông cũng thường tới những địa điểm trước đó ông từng chụp ảnh, đặc biệt là Khu phố cổ Hà Nội để ghi lại sự biến đổi ở nơi đây. Ông cũng tìm lại những nhân vật trong các bức ảnh trước đó như một người phụ nữ đã xuất hiện trong hai bức ảnh so sánh hai năm, một từ năm 1986, một vào năm 2005.




Bức ảnh E. Crawford chụp trong những lần đến thăm Hà Nội Ảnh: E.Crawford


Dành nhiều tình cảm cho Hà Nội và cảm thấy vui mừng về cuộc sống của người đô thị hôm nay nhưng ông cũng cảm thấy tiếc nuối “Hà Nội ngày nay đã đạt được những thành tựu đáng kể về mặt kinh tế, cuộc sống của người dân tốt hơn nhiều so với thời điểm tôi đến thăm. Thế nhưng cùng với sự phát triển này, Hà Nội đã mất đi sự duyên dáng vốn có”.



Những ngôi nhà nhìn từ phố Đinh Liệt (1986) - Ảnh: E.Crawford


Nhiếp ảnh gia E. Crawford lớn lên ở Chicago, Mỹ, giờ đã 69 tuổi; Ông nội và cha của ông cũng là những người rất yêu thích chụp ảnh, tiếp bước họ, E. Crawford bắt đầu những bức ảnh của riêng mình từ thời trung học, 9 năm sau khi tốt nghiệp Đại học Yale danh tiếng, ông xuất bản cuốn “The Keepers of Light” (Người nắm giữ ánh sáng) trong đó hướng dẫn mọi người cách để chụp những bức ảnh đẹp.


Năm 1982 ông đã có các bộ ảnh chụp các bộ tộc người bản địa ở Mato Grosso, Brazil. Ông từng tham gia phản đối cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam hồi năm 1960 khi còn là sinh viên, nỗ lực làm sách về Việt Nam để chứng tỏ một điều rằng, nhiều người Mỹ vẫn luôn mong muốn có một mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai quốc gia.



Nhà tập thể (1988) - Ảnh: E.Crawford


Ngoài đam mê dành cho nhiếp ảnh, E. Crawford từng nhận được giấy phép bay của Mỹ những năm 1980; Thập kỷ sau đó, ông mở trường học thể dục nhịp điệu Flightlab ở Plymouth, Massachusetts. Ông chỉ mới từ bỏ công việc kinh doanh này để chuyên tâm vào sự nghiệp nhiếp ảnh “di sản của tôi sẽ là những bức ảnh”. Và những bức ảnh chụp về Hà Nội chắc chắn sẽ là một di sản của ông.



Xây dựng ở Hà Nội (1995) - Ảnh: E.Crawford


Được biết, một số bức ảnh trong cuốn sách sắp ra mắt mới chỉ được giới thiệu một lần duy nhất tại một triển lãm tổ chức hồi năm 1995. Thầy giáo từng dạy ông ở Yale, người cùng tham gia làm cuốn sách này với E. Crawford cho hay, E. Crawford làm việc này không phải để được ghi nhận hay tiền bạc cho bản thân mà ông làm bởi niềm đam mê với nhiếp ảnh.